28/03/2025
Hội nghị triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long năm 2025 tại tỉnh Sóc Trăng
Ngày 28/3/2025, tại Trung tâm Văn hóa - Hội nghị tỉnh, UBND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng và UBND các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Hội nghị triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long năm 2025 tại tỉnh Sóc Trăng, với chủ đề “Nâng tầm kết nối - phát triển bền vững”. Tham dự Hội nghị gồm có đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ; đồng chí Huỳnh Hữu Trí, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu; đồng chí Nguyễn Thị Minh Thúy, Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - phía Nam, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; đại diện ngành du lịch các tỉnh, các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp lữ hành trong khu vực.

Trong thời gian qua, chương trình hợp tác du lịch giữa TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt là trong năm 2024, lãnh đạo UBND TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã luôn quan tâm chỉ đạo triển khai các nội dung liên kết du lịch như: Tổ chức các hoạt động khảo sát để xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng, trong đó nổi bật là Chương trình bình chọn điểm đến hấp dẫn TPHCM. Tuần lễ du lịch - thương mại TPHCM năm 2024 được tổ chức lần đầu tại Cần Thơ, đây là mô hình mới của hoạt động liên kết vùng đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của du khách và các chuyên gia.

Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Sóc Trăng là nơi giao thoa về văn hóa của 03 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer. Tỉnh có 08 di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia; 45 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc cấp tỉnh, 08 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; cùng với nét đặc sắc trong kiến trúc của 93 ngôi chùa Khmer; trong đó điểm du lịch Chùa Som Rong và Chùa chén Kiểu nằm trong 50 điểm đến hấp dẫn trong vùng. Trong năm vừa qua, tỉnh đã tổ chức thành công Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực ĐBSCL lần thứ 6; qua đó đã thu hút trên 200.000 lượt khách trong nước và quốc tế, doanh thu các hoạt động của Lễ hội đạt trên 80 tỷ đồng (tăng 19% so cùng kỳ). Từ đó, góp phần nâng tổng lượt khách du lịch đến Sóc Trăng trong năm đạt 3,2 triệu lượt và doanh thu du lịch năm 2024 đạt 1.860 tỷ đồng.
Với những tiềm năng và thế mạnh về văn hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Sóc Trăng thực hiện có hiệu quả các hoạt động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành ĐBSCL nhằm tạo ra không gian du lịch đặc sắc. Để tiếp tục kết nối trong phát triển du lịch, Sóc Trăng đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án du lịch gắn với khai thác các lễ hội văn hóa dân tộc để đa dạng sản phẩm du lịch ở địa phương và thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận về những nội dung trọng tâm của Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL.

Tại Hội nghị, Sở Du lịch TPHCM phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tổ chức phát động Chương trình hành động về phát triển du lịch xanh, bền vững TPHCM và ĐBSCL “Du lịch bền vững và mục tiêu Net Zero”.
Trần Thị Hồng Vân